Một góc khu dân cư thôn Tân Phương, xã Chiêu Yên (Yên Sơn).
Trù phú ven sông
Chiêu Yên - nơi giáp ranh của ba huyện Yên Sơn - Hàm Yên - Chiêm Hóa. Ngày trước khắp nơi biết đến đất Chiêu Yên là “vựa” mía, đường nổi tiếng ở Tuyên Quang lên tới gần 500 ha. Đất đồi, đất soi chỗ nào cũng trồng mía. Tuy nhiên nhận thấy hiệu quả kinh tế chưa cao, nhiều hộ nông dân trong xã đã mạnh dạn cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ mía sang các loại cây trồng khác như: cây cam, bưởi, chanh, thanh long… cây nào cũng mang lại lợi thế lớn cho Chiêu Yên.
"Không chỉ trồng cây ăn quả mà người dân còn kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng thời, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng lên, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình" - Đồng chí Mông Thanh Vấn, Chủ tịch UBND xã Chiêu Yên khoe.
Trang trại cây ăn quả của anh Đinh Trọng Võ, thôn Tân Tiến đang có gần 500 cây cam vinh, cam đường canh sai lúc lỉu đang thời kỳ lên nước, đẩy ngọt và vườn thanh long ruột đỏ hơn 300 gốc đang cho ra đợt hoa thứ 6 trong năm. Anh Võ chia sẻ, từ nhỏ anh đã chứng kiến bố mẹ lam lũ trồng lúa, trồng mía, chăn nuôi vất vả mà kinh tế mãi không dư. Khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, năm 2010, anh và gia đình tiên phong chuyển đổi trồng cây cam, thanh long ruột đỏ thay thế cho mía. Ban đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây ăn quả. Nhưng nhờ sự chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, cây ăn quả do anh trồng, chăm sóc phát triển tốt. Hàng năm, vườn cây ăn quả cho gia đình anh thu nhập đạt 300 triệu đồng. Năm 2022, anh Võ đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, rộng rãi, trị giá gần 800 triệu đồng. Đó là thành quả trong suốt quá trình miệt mài trồng, chăm sóc cây ăn quả.
Sản phẩm Chuối sấy dẻo của HTX Chuối sạch Chiêu Yên được xuất khẩu sang thị trường Anh.
Chia tay anh Võ, chúng tôi tìm tới thăm trang trại chăn nuôi, trồng trọt của gia đình bà Nguyễn Thị Hướng, thôn Yên Vân với mô hình nuôi bò giống và bò thịt nhiều năm nay cho thu nhập cao. Bà Hướng bảo, năm 2019, sau bao năm trồng mía, kéo mật tích góp được hơn 100 triệu đồng và vay mượn thêm anh em, gia đình bà làm chuồng trại, trồng cỏ nuôi bò. Ban đầu gia đình bà chỉ nuôi 10 con bò sinh sản, nhờ chăm sóc tốt và nhận thấy tiềm lực phát triển mô hình, đến nay gia đình bà đã phát triển đàn bò lên tới 29 con. Ngoài ra, bà nuôi 35 con lợn nái, lợn thương phẩm, 300 con gà thịt và trồng 600 cây cam, bưởi Diễn và Da xanh. Từ mô hình kinh tế này, mỗi năm gia đình bà thu lãi hơn 500 triệu đồng.
Hiện 100% các tuyến đường trong thôn đã được cứng hóa, giao thông đi lại thuận lợi. Năm 2022, tuyến đường ĐH09 dài trên 10 km nối xã Phúc Ninh đến Chiêu Yên được bê tông hóa, Chiêu Yên như được tiếp thêm động lực phát triển. Từ ngày có đường đẹp, giao thương thuận lợi, quả cam, quả bưởi của đất Chiêu Yên được nhiều người biết đến hơn, giá cả cũng không bị thấp hơn so với vùng khác. Dọc hai bên đường, người dân đua nhau xây nhà, hình thành những khu dân cư sầm uất - đồng chí Vấn chia sẻ.
Thay tư duy, đổi cách làm
Chuyện món ăn dân dã chuối sấy dẻo của Hợp tác xã (HTX) Chuối sạch Chiêu Yên được xuất khẩu sang Anh râm ran làng Thọ Sơn suốt mấy tuần nay. Từ thức ăn chơi, món ăn này xuất ngoại thành công. Anh Nguyễn Thế Hải, Giám đốc HTX Chuối sạch Chiêu Yên không giấu được niềm tự hào, ban đầu HTX chỉ là cơ sở chế biến nhỏ lẻ nhưng khi có được thị trường ổn định trong nước, tham vọng của HTX là tìm đường xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Tháng 12-2023, HTX được thành lập với 7 thành viên. HTX có 4 sản phẩm chính là chuối sấy dẻo, chuối chiên giòn, snack chuối và tinh bột chuối tiêu, trong đó 2 sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao; tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động địa phương. Năm 2023, HTX xuất bán ra thị trường trên 80 tấn sản phẩm các loại. Riêng 3 tháng cuối năm, mỗi ngày xuất ra thị trường 5 tạ sản phẩm. Doanh thu đạt gần 500 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi bò giống và bò thịt của gia đình bà Nguyễn Thị Hướng, thôn Yên Vân.
Tháng 6-2024, sản phẩm Chuối sấy dẻo của HTX chính thức có mặt trong danh sách 7 sản phẩm xuất khẩu sang Anh, qua Công ty cổ phần R.Y.B (Hà Nội). Đây là lần đầu tiên các sản phẩm nông sản đạt sao OCOP của nông dân Tuyên Quang được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Anh Hải quyết tâm, để đáp ứng yêu cầu của thị trường, HTX đang tiến hành mở rộng xưởng sản xuất, nâng công suất chế biến lên gấp đôi.
Từng tốt nghiệp Cao đẳng Giao thông vận tải và cũng từng đi tứ xứ để lăn lộn với nghề nhưng mãi vẫn chỉ đủ nuôi thân, anh Phạm Đức Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Vân mỗi lần trở về thăm gia đình, nhìn đồng đất, trong anh khát khao làm giàu ở chính quê nhà lại trỗi dậy. Sau nhiều năm trăn trở, năm 2012, anh quyết tâm về quê lập nghiệp. Anh Mạnh kể, ban đầu anh đầu tư trồng cây ăn quả trên diện tích 2,5 ha gồm 500 cây bưởi, 240 cây cam Vinh và 60 cây nhãn, hàng năm, cho thu nhập từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm.
Năm 2018, anh Mạnh còn đầu tư chăn nuôi bò vỗ béo. Mỗi năm, bình quân anh xuất bán một lứa, mỗi lứa bán gần 20 con, thu lãi gần 200 triệu đồng. Anh Mạnh bảo, làm riêng lẻ sẽ không bền và không tạo được đầu ra thuận lợi nên anh đã vận động các hộ chăn nuôi trâu, bò trong thôn liên kết để thành lập HTX Nông nghiệp Yên Vân năm 2020. Anh đảm nhận vai trò Giám đốc, đứng ra giúp các thành viên trong HTX làm hồ sơ để vay vốn theo Nghị quyết của HĐND tỉnh với số vốn vay 2,4 tỷ đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, HTX duy trì đàn trâu bò gần 120 con.
Hiện nay, trên địa bàn xã Chiêu Yên đã thành lập được 5 HTX. Các HTX duy trì hoạt động, liên kết trồng, kinh doanh cây ăn quả cam, bưởi hữu cơ; chăn nuôi trâu, bò, lợn, mật ong. Ngoài ra, toàn xã đã hình thành 2 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững và 10 trang trại tổng hợp. Xã có 4 sản phẩm OCOP. Đồng thời, với sự năng động, chủ động, người dân đã mở rộng những vườn cây ăn quả mang lại giá trị cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của xã đạt 48 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,6%…
Tôi rời Chiêu Yên trong cơn mưa chiều mùa hạ. Những vườn cây ăn quả trĩu cành, cánh đồng lúa xanh mướt của xã ven sông hiện lên như một bức tranh lấp lánh đầy sức sống. Nhờ vào sự cần cù, sáng tạo và tinh thần đoàn kết của người dân, vùng đất ven sông Lô sẽ càng trù phú, vươn xa
Gửi phản hồi
In bài viết